Hiển thị các bài đăng có nhãn Phượt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phượt. Hiển thị tất cả bài đăng

Ghi chép Trường Sa - 2013

Sau chuyến đi được gần 1 tháng mà tôi vẫn có cảm giác mình chưa dứt được mạch cảm xúc của chuyến đi, một cảm giác tôi chưa bao giờ có với những chuyến đi khác. Tôi vẫn cố gắng tìm thêm nhiều thông tin về Trường Sa hơn, tôi vẫn theo sát hành trình của các đoàn đi sau qua Facebook của các thành viên trên tầu HQ996 và của các bạn thuộc đoàn thăm Trường Sa của Trung ương Đoàn, để nhớ đến những điểm đảo tôi vừa qua, nhớ đến những người bạn tôi vừa mới gặp.

Tôi vẫn thấy mình vẫn nợ một cái gì đấy rất khó diễn tả thành lời với Trường Sa. Chia sẻ với các bạn vài ghi chép nho nhỏ tôi ghi lại trên chuyến hành trình 10 ngày trên biển qua các điểm đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Thị, Trường Sa và DK1/17, DK1/18.


Hình như chiến tranh đã lùi xa lắm rồi thì phải, kí ức chiến tranh giờ mờ nhạt trong xã hội hiện đại. Bọn trẻ con bây giờ chúng mơ thành những siêu nhân, hiệp sỹ...


Nguồn ảnh socnhi.com


Không như bọn chúng tôi thời xa xưa, đứa nào cũng muốn mình sau này lớn lên sẽ thành anh bộ đội, ao ước được một lần được mượn của anh, của chú, của bố chiếc mũ có ngôi sao vàng để đội lên đầu và khoe với trẻ con khắp phố. Trong số đồ chơi ít ỏi của chúng tôi ngày ấy, đứa nào cũng có một cây súng đẽo bằng gỗ, hoặc chí ít là bằng giấy gấp... Và những trò chơi của chúng tôi ngày ấy là những trò bộ đội, công an bắt gián điệp, đứa nào cũng giành phần mình làm bộ đội, quân đỏ, đứa nào bị bắt làm giặc, làm quân xanh thì hậm hực, chỉ mong trò chơi sớm kết thúc để mình được đổi vai...

Và tôi ở cái thời xa xưa đấy cũng có một ước mơ, một ngày nào đó lớn lên mình sẽ thành anh bộ đội hải quân. Tôi không nhớ tại sao lại là hải quân. Có lẽ là từ quyển thơ "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa có những bài thơ rất hay về các anh bộ đội, một trong những bài thơ đấy là bài này, bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ được mấy câu đầu.

Gởi theo các chú bộ đội
Trần Đăng Khoa


Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tầu chiến cháy, những tầu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi

Rồi từ nhà cháu chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo...

Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây

Cháu về lớp cũ tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi

Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi...


Minh hoạ cho bài thơ là hình vẽ hai anh bộ đội hải quân ngồi chơi bi với một cậu bé, phía xa xa là chiếc tầu thuỷ đang nhả khói. Hình ảnh minh hoạ rất thô sơ, chỉ là những nét phác hoạ, nhưng trong tâm trí của tôi, hình ảnh ấy có ấn tượng rất mạnh. Hình minh hoạ ấy kết hợp với bài thơ tạo nên một không khí rất sống động, tôi như nghe thấy tiếng cười của hai anh bộ đội với cậu bé, như nghe thấy tiếng tầu thuỷ đang kéo còi để chuẩn bị dời bến, như nhìn thấy cậu bé chiều chiều ra cạnh bờ biển đứng ngóng những người bạn đang ở trên một con tầu nào đấy ngoài biển kia.

Và ước mơ trở thành thuỷ thủ cứ thế theo tôi suốt quãng thời gian trẻ con xa xôi đấy. Tôi đã vẽ những bức vẽ nguệch ngoạc về những chiếc tầu thuỷ và về biển... Rồi thời gian trôi qua, ước mơ đấy biến mất lúc nào tôi cũng không biết, có đôi khi nó thoáng quay lại đâu đó khi tôi gặp lại một điều gì đấy từng thân thuộc trẻ con.

Tôi lớn lên làm một công việc chẳng liên quan đến bộ đội, đến hải quân và đến biển, nhưng tôi biết tôi yêu biển và tôi vẫn yêu quý những người lính. Vẫn mong một ngày được sống với giấc mơ ngày xa xưa đấy và giờ nó đang thành hiện thực. Tôi sẽ có 10 ngày sống trên một chiếc tầu hải quân ra quần đảo Trường Sa. Tôi rất muốn tin, đấy chính là con tầu mà ngày xưa tôi đã vẽ, và mong muốn sẽ được mặc bộ quần áo hải quân một lần trong đời.

Tôi đang mong trời yên biển lặng, tôi mong bình yên trên những chuyến đi...


Topic gốc: Ghi chép Trường Sa - 2013 của tác giả cào cào

Read More...

“Tứ đại đỉnh đèo” huyền thoại của Việt Nam


Trong tâm trí những người mê “phượt” ở Việt Nam có 4 con đèo đã trở thành huyền thoại vì độ hiểm trở và vẻ đẹp mê hồn, đó là “Tứ đại đỉnh đèo”…

1. Đèo Mã Pí Lèng

Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km vượt đỉnh núi Mã Pí Lèng có độ cao 2.000m, nối Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.
Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng từ năm 1959 – 1965. Tại đoạn đường đèo, các nhân công đã phải treo mình trên dây giữa các vách đá để thi công trong suốt 11 tháng.
Từ năm 2009, vùng núi Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
2. Đèo Ô Quy Hồ
Dài gần 50km, Đèo Ô Quy Hồ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc, đồng thời cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất Việt Nam. Con đèo này nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo ở độ cao 2.000m chính là ranh giới giữa hai tỉnh.
Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Bên cạnh đó, đèo Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên, do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Không chỉ hiểm trở, trước kia, đoạn đèo này còn gắn với câu chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại, nên rất ít người dám vượt qua. Ngày nay, tuyến đường đèo đã được nâng cấp nhiều nên trở thành một cung đường xe cộ đi lại khá đông đúc.
3. Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin hay là đèo núi có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, với điểm cao nhất là 1.648 mét. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, nghĩa là “Trời và Đất”, hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Trên lưng chừng đèo thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
Những năm gần đây, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La-Tuần Giáo đã hoàn tất. Tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200-400m), đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm.
Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Minh, phải hứng chịu những cuộc oanh tạc dữ dội của không quân Pháp. Điều này đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
4. Đèo Khau Pha
Đèo Khau Phạ là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km, đồng thời cũng là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái , đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có v.v. ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Đèo vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Tên gọi của đỉnh núi này trong ngôn ngữ của dân tộc Thái nghĩa là “Sừng Trời” (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), do các chóp núi thường nhô lên giữa biển mây bao quanh như một chiếc sừng.
Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng. Đây là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh.
Ngoài những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, nằm bên cung đường đèo quanh co của Khau Phạ còn cả những cánh rừng già mang đậm nét nguyên sơ lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm.


(BKT)

Read More...

'Kẻ điên nhất Honda 67' vượt nghìn cây số chinh phục Fansipan


Một bên chân thương tật, sau 3 năm rèn luyện thể lực, thử sức đi bộ 175 km, Nguyễn Đức Xuân thực hiện hành trình dài 2.000 km bằng xe Honda 67 đến Fanxipan.

Thân hình rắn chắc, khuôn mặt khắc đầy sương gió, người đàn ông 43 tuổi quê Đà Lạt kể về chuyến đi nghìn cây số. Thích khám phá, thực hiện nhiều chuyến phượt, nhưng với anh Xuân đây là chuyến đi có thời gian chuẩn bị dài và công phu nhất.

Ý định đi các tỉnh phía bắc và chinh phục Fanxipan có từ 3 năm trước. Với bên chân phải không còn lành lặn do tai nạn giao thông chỉ có thể hoạt động trong phạm vi hẹp, hàng ngày anh thức dậy từ 4h30 sáng đi bộ 2 vòng hồ dài 12 km.

Tháng 8/2012, anh quyết định thử sức đi bộ vượt 175 km từ Đà Lạt vào Cam Ranh gặp gỡ anh em chơi xe. Kể từ đó Đức Xuân còn được gọi với biệt danh “kẻ điên nhất Honda 67”.

Nguyễn Đức Xuân trong chuyến đi chinh phục Fanxipan.
Chuẩn bị cho chuyến đi, 2 tháng trước anh tìm mua chiếc Honda 67 cũ giá 2,5 triệu đồng, dành thêm 500 nghìn đồng tu sửa máy móc. Phân trần về sự mạo hiểm khi đi phượt một mình bằng xe "cà tàng", anh chia sẻ: "Nếu hiểu biết thì Honda 67 rất an toàn. Vấn đề quan trọng nhất của dòng xe này là động cơ. Bơm nhớt nguyên bản của xe yếu, không thích hợp chạy đường dài, nên tôi nhờ thợ thay bằng loại bơm khác".

Xuất phát ngày 17/4 từ Đà Lạt, Đức Xuân vượt hơn 2.000 km qua Đà Nẵng - Nghệ An - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đến Fanxipan. Những ngày đó, anh khởi hành từ 5h sáng tranh thủ thời gian. Chuyến đi dài trên các cung đường lạ nên để an toàn anh chọn cách đi chậm. Gặp đường tốt, vắng người anh cũng chỉ cho xe chạy đến 60 km/h. Giờ nghỉ trưa thường kết thúc nhanh chóng sau bữa ăn tranh thủ cộng thêm khoảng thời gian lấy lại sức.

7h sáng ngày 23/4, người đàn ông này bắt đầu chinh phục nóc nhà Đông Dương. Hành trang mang theo là máy ảnh, máy quay, gậy, nước và chuối. Anh Xuân cho biết, theo kinh nghiệm ăn chuối giúp cơ thể có nhiều năng lượng, lâu mỏi. Sau 11 giờ 45 phút vượt đèo dốc hiểm trở, Nguyễn Đức Xuân chạm mốc Fanxipan.
Bằng ý chí và sự quyết tâm, người đàn ông thương tật đã chinh phục được đỉnh Fanxipan.
“Niềm hạnh phúc khó tả, bao nhiêu mệt nhọc biến mất. Tôi sung sướng chạm vào cột mốc Fanxipan, nơi mà tôi mơ ước đặt chân tới 3 năm trước”, anh Xuân chia sẻ cảm xúc.

Đằng sau sự thỏa mãn niềm ham thích khám phá, có lẽ cái mà người đàn ông này có được sau chuyến đi là niềm tin, lòng cảm đảm và sự quyết tâm dám đi tới dù phía trước là khó khăn.

Thế Hoàng

Read More...

Kinh nghiệm chuẩn bị phượt đường dài


Chuyến phượt thành công không chỉ yêu cầu hành lý đầy đủ, mà người đi còn cần có tâm thế sẵn sàng.

Rèn luyện thể lực

Chuyến đi có khi 5, 7 thậm chí 10 ngày, sinh hoạt bình thường bị đảo lộn... trong khi việc lái xe nhiều giờ yêu cầu sự tập trung cao độ nên đòi hỏi người đi có thể lực tốt. Tùy thuộc vào điều kiện và thể trạng sức khỏe mà khâu rèn luyện thể lực có thể bắt đầu trước đó nhiều tháng.

Để chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt, phượt tử Cao Phi Bảo chia sẻ cách chạy bộ 10 km mỗi ngày trong 2 tháng bởi theo bạn đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất để rèn thể lực, sự dẻo dai.

Tìm hiểu lộ trình đi

Những cung đường mới tạo nên niền ham thích khám phá những tiềm ẩn không ít rủi ro. Liệu rằng đường có dễ đi hay có nhiều khúc cua nguy hiểm..? Với vai trò là trưởng nhóm dẫn đoàn Honda 67 Đức Linh, Bình Thuận ra Thái Nguyên dự hội ngộ toàn quốc, Phạm Ngô liên lạc với anh em chơi xe trong diễn đàn tìm hiểu thông tin nhà trọ, đặc điểm của từng tuyến đường sẽ qua, rồi xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng ngày đi.


Ngô Hồng Cẩm (Huế) đạt mối quan tâm đến thời điểm đi: "sẽ có nhiều khó khăn, và nguy hiểm hơn nếu đi vào đúng mùa mưa vì khi đó đường trơn, tầm nhìn hạn chế. Nếu đi ở vùng núi có thể gặp lở đất hoặc lũ quét".

Bảo dưỡng xe

Đây là công việc quan trọng nhất trước mỗi chuyến đi. Bạn sẽ không thể đi đêm với xe mà đèn pha cháy. Liệu người phía sau có kịp nhận ra xe bạn phanh khi đèn hậu không sáng. Động cơ sẽ làm việc trơn tru hơn nếu thay dầu mới. Chuyến đi dài, đặc biệt trên những cung đường xấu, bánh rất dễ xẹp hơi. Nếu nhận thấy bộ lốp không thể vượt hành trình dài thì cần thay thế. Nhông xích thường nhanh rão hơn khi chạy đường đèo dốc, tải nặng.

Luyện tập kỹ năng sửa chữa

Dù chuẩn xe bảo dưỡng kỹ càng, vận hành đường dài không thể tránh khỏi sự cố bất ngờ. Vấn đề phổ biến nhất thường là xẹp hơi, bó máy, hỏng lửa... Trong khi tìm cửa hàng sửa chữa ở nơi xa lạ không phải lúc nào cũng dễ dàng thì việc trang bị những kỹ năng sửa chữa cơ bản là điều rất cần thiết.

Theo anh Cẩm nếu nhóm đi có nhiều người, nên phân công mỗi xe mang một số dụng cụ sửa chữa: mỏ-lết, cờ-lê, tua-vít; bơm tay.... Các linh kiện thay thế: săm, lốp, bu-gi dự phòng.

Hành lý mang theo

Nếu địa điểm tham quan là rừng, núi hoặc những nơi xa khu dân cư, ngoài các trang bị cá nhân thì võng, lều, thuốc, áo mưa, thức ăn khô, nước uống cũng là những thứ rất cần thiết.

Thế Hoàng

Read More...

Côn Đảo - Tìm nơi bình yên


Đã có nhiều bài viết về Côn Đảo cũng như nhiều topic chia sẻ kinh nghiệm của các bạn từng đến nơi này, tuy nhiên theo như mình tìm hiểu thì đa số thông tin đã tương đối cũ. Bản thân mình vừa đi Côn Đảo về nên muốn cung cấp thêm một số thông tin mới hơn, hy vọng chúng sẽ hữu ích với những ai đang dự định đến thăm hòn đảo hoang sơ xinh đẹp này.

1. ĐẾN CÔN ĐẢO BẰNG GÌ

Hiện giờ có thể đi bằng máy bay hoặc tàu đến Côn Đảo.

* TÀU: không chạy hàng ngày nên các bạn phải liên hệ trước để đặt vé và xem lịch tàu chạy. Vì mình không đi bằng tàu nên cũng không tìm hiểu nhiều về phương tiện này. Tuy nhiên, các bạn có thể tìm kiếm trên các diễn đàn hoặc trên Google với từ khóa "Tàu đi Côn Đảo". Tàu khởi hành buổi chiều, sáng hôm sau mới đến nơi, vì thế những ai muốn tận hưởng cảm giác lênh đênh trên biển vào ban đêm thì nên chọn phương tiện này. Và tất nhiên đi tàu là cách tiết kiệm tiền nhất!

Nếu chọn đi tàu, các bạn có thể đem theo xe máy. Bến khởi hành nằm ở Vũng Tàu, có tên là cảng Cát Lở, các bạn có thể chạy xe xuống Vũng Tàu rồi gửi xe theo, để ra Côn Đảo có xe đi ngay. Bến tàu ở Côn Đảo là cảng Bến Đầm, cách trung tâm khoảng 12km. Như mình đã nói, do đi máy bay nên mình không rõ là trong trường hợp không tự mang xe máy theo thì khi đến nơi, ta sẽ di chuyển về trung tâm bằng cách nào.

* MÁY BAY: Vietnam Airlines và Air Mekong đang khai thác tuyến này. Giá vé của hai hãng tương đương nhau, nhưng thi thoảng Air Mekong rẻ hơn và có nhiều chương trình khuyến mãi hơn. Mình mua được vé khuyến mãi của Air Mekong, 1 triệu/vé cho cả chiều đi và chiều về. Vậy nên những ai có ít thời gian thì chọn máy bay là nhanh nhất, và nếu có thể mua được vé khuyến mãi nữa thì tuyệt vời.

Sân bay Côn Sơn (trước tên là Cỏ Ống) cách trung tâm khoảng 15km, nhưng các bạn yên tâm là có khá nhiều xe trung chuyển đưa đón khách từ sân bay về trung tâm và ngược lại. Giá chính thức là 50k/người (tại thời điểm cuối năm 2012, mình đọc các bài cũ thì thấy giá là 30k). Khi ra khỏi sân bay, các bạn sẽ thấy vài chiếc xe 16 đến 24 chỗ, chiếc nào cũng có tên công ty du lịch hay khách sạn, resort. Bạn cứ chọn một chiếc mà nhảy lên, dù là xe của ai thì cũng phải trả tiền như nhau, và các xe này hoạt động như xe bus thôi. Tuy nhiên, nếu các bạn đi vào mùa cao điểm du lịch thì khi đặt phòng khách sạn nhớ nói họ đặt giúp xe đưa đón sân bay trước, kẻo xe nào cũng đầy khách, các bạn sẽ phải bắt taxi về (mà giá cước taxi thì không rẻ chút nào, về đến trung tâm hết khoảng 250k-300k). Đối với các resort, họ có xe riêng đưa đón khách nhưng hầu như vẫn tính phí chứ không miễn phí!

2. NÊN ĐI CÔN ĐẢO VÀO THỜI GIAN NÀO?


Thời gian được xem là đẹp nhất để đi Côn Đảo là từ tháng Mười đến tháng Tư. Thời tiết ở Côn Đảo cũng có hai mùa mưa nắng, không khác biệt nhiều so với Sài Gòn. Vậy nên thời gian từ tháng Mười đến tháng Tư đang là mùa khô, thuận tiện cho việc đi lại. Và những tháng đầu năm, Côn Đảo sẽ vào mùa du lịch.

Thật sự thì mình thấy dù thời gian nào ta cũng có thể ra Côn Đảo chơi, bất kể mùa mưa hay mùa khô. Mỗi mùa Côn Đảo lại mang một nét đẹp riêng. Chỉ có điều, khi thời tiết xấu thì tàu dễ bị hủy chuyến hơn máy bay. Và trong trường hợp thời tiết cực xấu thì cả máy bay cũng bị hủy luôn. Lúc đó những ai còn ở lại Côn Đảo hãy chuẩn bị tinh thần để chịu cảnh chặt chém nhé.

Côn Đảo hiện giờ có kha khá khách sạn, nhà nghỉ nhưng vẫn không nhiều như ở các thành phố du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang... Do đó, vào mùa cao điểm du lịch thì nhất định các bạn phải đặt phòng trước.

3. Ở ĐÂU TRÊN CÔN ĐẢO?

Các bạn nên lưu ý là giá phòng tại Côn Đảo khá đắt so với ở những nơi khác. Ở thời điểm cuối năm 2012, giá phòng thấp nhất là 350k/phòng 2 người. Từ 350k đến 400k/phòng là giá chung của hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn mini.

Do thời gian mình đi chưa vào mùa cao điểm nên không rõ vào mùa cao điểm có xảy ra tình trạng nâng giá hay không. Nếu các bạn ở dài ngày hoặc đi đông người thì tất nhiên có thể trả giá thấp hơn,nhưng chắc là không thể giảm nhiều vì giá điện ở Côn Đảo khá cao.

Các bạn có thể tìm thông tin về các nhà nghỉ, khách sạn mini trên mạng vì chúng được quảng cáo khá nhiều. Nếu muốn vị trí đẹp thì các bạn nên chọn ở ngay trước bãi biển, trên trục đường TÔN ĐỨC THẮNG, và tất nhiên là giá sẽ cao hơn các khách sạn nằm những tuyến đường phía trong. Nhưng thực tế thì các bạn cũng không có nhiều lựa chọn cho lắm vì phía trước bãi biển chỉ có tổng cộng khoảng 05 cái nhà nghỉ và khách sạn mini. Còn lại là resort với giá rất cao.

Dưới đây là một số địa chỉ mà mình đã tìm hiểu được:

- Đầu tiên có thể kể đến nhà khách PHI YẾN (Điện thoại: 064.3830168), một địa chỉ lâu năm. Vì đã hoạt động từ rất lâu nên cũng nhà khách này cũng rất cũ rồi. Giá phòng đơn là 350k/đêm, phòng đôi là 450k/đêm. Nhà khách này nằm ở vị trí thoáng đãng ngay đường Tôn Đức Thắng nhìn thẳng ra biển. Khuôn viên ở đây rộng nên cũng có cả quán ăn, bán cơm, mì, phở, hủ tíu... Mình thấy buổi sáng người dân cũng đến đây ăn, còn trưa và tối thì ít.



- Kế đến là nhà nghỉ THANH XUÂN (Điện thoại: 064.3830261). Chỉ cách PHI YẾN vài căn nhà, cũng nằm trên đường Tôn Đức Thắng nhìn ra biển.



- Cách vài nhà nữa là đến nhà nghỉ THANH NGỌC (Điện thoại: 064.3830219). Cũng nằm trên đường Tôn Đức Thắng nhé.

- Cùng một dãy này còn có nhà nghỉ BA ĐOÀN (Điện thoại: 0983567153). Lúc mình gọi hỏi thì được báo giá là 250k-300k/phòng 2 người. Rẻ nhất trong các nhà nghỉ nhưng lại đang sửa chữa nên không đón khách. Không biết là sau khi sửa chữa thì có lên giá ko.

- Đi hết đường Tôn Đức Thắng là đến đường Nguyễn Đức Thuận cũng hướng ra biển. Có khách sạn THIỆN TÂN. Khách sạn này nằm "sát vách" resort Côn Đảo Camping nên cũng được hưởng một khúc bãi biển riêng mà giá lại là giá nhà nghỉ.



- Ngoài những nhà nghỉ trên trục đường Tôn Đức Thắng hướng biển, còn có resort. Nhưng mình không tham khảo giá những nơi này vì thấy giá khá cao. Chỉ trừ một resort có giá được xem là mềm nhất với khung cảnh đẹp và bãi biển riêng. Phòng nghỉ theo dạng bungalow. Đó là CÔN ĐẢO CAMPING
(http://www.condaoseacabanas.com/vi/)



Đây là phần bãi biển riêng từ Côn Đảo Camping kéo dài đến các resort khác (khách sạn Thiên Tân cũng được hưởng một khúc này).




Trước khi vào phần kế tiếp thì mình muốn nói rõ hơn về các điểm resort và khách sạn để các bạn cân nhắc lựa chọn. Bản thân mình trước khi đi cũng đã rất phân vân, nhưng do đi vào mùa thấp điểm nên mình ra đó rồi mới đi tìm nơi nghỉ chứ không đặt trước.

Về giá cả, một điều rất chắc chắn là khách sạn, nhà nghỉ nào cũng đưa ra mức 350k-450k/phòng 2 người vì đó là giá chung của cả đảo rồi. Theo như mình biết thì đảo phải tự phát điện, và nhà máy điện chạy máy phát bằng dầu nên chi phí rất cao. Mình có hỏi qua vài người thì biết trung bình mỗi nhà phải tốn cả triệu đồng tiền điện/tháng. Giá điện tầm khoảng 8.000/Kw thì giá phòng cũng khó lòng rẻ hơn dù mình đã đi vào mùa thấp điểm. Ở Côn Đảo, nằm chết dí ở khách sạn là việc buồn chán nhất vì ti vi không xem được gì, trên đảo vẫn còn dùng truyền hình kỹ thuật số nên tín hiệu lúc rõ lúc không. Trời mưa là tín hiệu giật giật như đang xem phim trên Internet mà bị nghẽn mạng vậy.

Quay lại chuyện vị trí của các khách sạn, nhà nghỉ, resort. Có thể xem trục đường Tôn Đức Thắng là trục đường đẹp nhất trên Côn Đảo, chính là con đường trong tấm hình đầu tiên của bài, một bên là biển, một bên là hàng cây bàng cổ thụ. Trên tuyến đường này có các khách sạn, resort sau:

- ATC resort (http://www.atcvietnam.com/vn/ResortA.aspx)
- SÀI GÒN - CÔN ĐẢO resort (http://www.saigoncondao.com/)
- Nhà khách PHI YẾN
- Nhà nghỉ THANH XUÂN
- Nhà nghỉ BA ĐOÀN
- Nhà nghỉ THANH NGỌC

Các bạn có thể vào Google Maps để xem thêm vị trí cụ thể: http://maps.google.com/?ll=8.681589,...10568&t=m&z=17

Trục đường Tôn Đức Thắng đẹp là vậy nhưng bãi biển phía trước thì hầu như không có. Người ta xây bờ kè dọc tuyến đường này và chỉ có vài chỗ là có đường xuống. Bờ kè này buổi tối rất đông người dân và khách du lịch ra ngồi ăn uống hoặc nằm dài ngắm trăng sao, nghe sóng biển. Nhưng bãi biển ở đây rất ít người tắm vì nhiều đá và có tàu thuyền neo đậu. Vì vậy ở những nhà nghỉ và resort tuyến đường này chỉ có tầm nhìn ra biển chứ tắm biển thì e rằng không khả thi. Đoạn bờ biển này có hai cầu tàu: một là cầu tàu du lịch khá cũ kỹ và một là Cầu Tàu 914 lịch sử.

Bờ kè dọc đường Tôn Đức Thắng
Cũng xem trên Google Maps, các bạn sẽ thấy cuối đường Tôn Đức Thắng ôm cua qua là đường Nguyễn Đức Thuận. Đường này không đẹp, cỏ dại mọc tràn lan hai bên đường, nhưng bù lại, nó có nguyên bãi cát trắng dài. Vì thế có 3 resort và 1 khách sạn chia nhau dải cát trắng này. Các bạn có thể xem tấm hình bãi trên của Côn Đảo Camping ở phía trên. Nếu các bạn không ở bên tuyến đường này được thì vẫn có thể đi bộ hoặc chạy xe qua đây tắm biển ké. Mình thấy chiều chiều có người dân đảo qua đây tắm chung với du khách mà chẳng ai nói gì.

- CÔN ĐẢO CAMPING: nằm ngay đầu đường Nguyễn Đức Thuận nối tiếp Tôn Đức Thắng. Nếu đi tắm ké thì các bạn vào bằng lối đi của chỗ này luôn. Nếu ngại, các bạn cứ đi bộ từ bãi biển bên Tôn Đức Thắng qua. Nếu đi xe thì các bạn chạy thẳng vào đậu chung với xe của khách sạn.
- Khách sạn THIỆN TÂN: sát bên Côn Đảo Camping.
- Cách một khoảng nữa là CÔN ĐẢO SEATRAVEL (http://condaoseatravel.com.vn/khach-san-con-dao.html)
- Tiếp đến là CÔN ĐẢO RESORT (http://www.condaoresort.vn/index.php)

Chắc các bạn thắc mắc là resort nổi tiếng SIX SENSES (http://www.sixsenses.com/sixsensescondao/)mà 2 diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie và Brad Pitt nằm ở đâu? Nơi này nằm cách biệt trung tâm Côn Đảo, trên đường Cỏ Ống ra sân bay, và sở hữu một bãi biển riêng. Nếu đi máy bay, lúc vào trung tâm các bạn sẽ đi ngang đây nhưng cũng chẳng nhìn được gì nhiều ở bên trong. Ở đây lúc nào cũng có bảo vệ túc trực bên ngoài để canh chừng khách vãng lai vào tắm ké bãi biển của họ.


Tấm hình này mình lén ra biển của họ chụp nhưng ngay lập tức có chú bảo vệ xuất hiện nhắc nhở liền!

Ngoài những khách sạn và resort nêu trên, ở các tuyến đường trung tâm bên trong cũng còn khá nhiều nhà nghỉ, khách sạn khác. Giá thì vẫn ở mức trung bình là 400k/phòng 2 người. Nhưng mình nghĩ nếu đi đông, ở lâu thì có thể trả giá cho tiết kiệm. Các tuyến đường phía trong đi bộ ra biển cũng rất gần, mất khoảng 5-10 phút đi bộ hoặc 3 phút đi xe máy là cùng. Các bạn có thể tham khảo:

- Khách sạn HAI NGA trên đường Trần Phú: 064.3830260
- Nhà nghỉ 42 đường Nguyễn Huệ: 064.3630178
- Nhà nghỉ THÁI HÀ trên đường Nguyễn Huệ: 064.3831679 hoặc 01219799339
- Khách sạn mini TÂN AN đường Lên Duẩn: 064.3830257– 0907844747- 0918579105
- Motel AN LỘC đường Trần Phú: 064.3608506 - 0904339068 - 0988448484 (găp chị Kim Anh)
- Khách sạn PHƯƠNG THẢO đường Trần Phú: 01237599977 - 064.3830526
- Khách sạn mini HẢI AN đường Hồ Thanh Tòng: 064.3508077 - 01644683866
- Khách sạn ANH ĐÀO đường Trần Phú: http://condaohotel.com.vn/?default&l=vi
- Nhà nghỉ BẢO TÀNG: 064.3830134

Ngoài ra còn có các nhà nghỉ BƯU ĐIỆN, nhà khách HUYỆN ỦY...

4. ĂN GÌ Ở CÔN ĐẢO

Đầu tiên, mình lưu ý là đồ ăn ở Côn Đảo không hề rẻ chút nào. Các quán ăn bình dân cũng tầm 25k/món trở lên. Mặc dù trên đảo cũng có trồng trọt và chăn nuôi nhưng người ta vẫn phải lấy hàng từ đất liền ra. Tất nhiên là phải vận chuyển theo tàu, và thời gian từ đất liền ra đảo cỡ 12 tiếng nên chi phí xăng dầu đẩy giá cả ngoài này tăng rất cao.

Thứ hai là đồ ăn ở Côn Đảo không đa dạng như trong đất liền, nên các bạn sẽ không có nhiều lựa chọn khi đi ăn. Đồ ăn không đặc sắc nhưng cũng không dở. Nói chung là có thể ăn cho đầy bụng có sức đi chơi.

Các quán ăn Côn Đảo đều cho trà đá miễn phí, mình đi ăn đều thấy hầu hết các quán có ca trà đá thật to để sẵn trên mỗi bàn. Nếu không thấy thì các bạn cứ yêu cầu ca trà đá và mấy cái ly, vẫn free nhé!

ĂN SÁNG: có bánh mì, cơm tấm, bún thịt nướng, bánh ướt, cháo, phở, mì, hủ tíu... Nói chung là những món ăn sáng phổ biến thì ở Côn Đảo cũng có. Giá trung bình 25k-30k/tô hoặc dĩa.
- Chợ Côn Đảo: có bán hầu hết các món ăn sáng nêu trên. Bánh mì bán ở ngoài chợ, rất dễ thấy. Nhưng nhìn không hấp dẫn lắm. Còn các món khác thì phải vào nhà lồng trong chợ mới gặp. Và các hàng ăn cũng chỉ bán đúng buổi sáng thôi.


- Quán Minh Anh đầu đường NGUYỄN HUỆ, gần ngã tư Nguyễn Huệ giao với Ngô Gia Tự, cạnh văn phòng Dive! Dive! Dive! cho thuê đồ lặn biển: có bán cháo lòng, cơm tấm, bún thịt nướng, bún thịt xào. Buổi sáng nhiều người ăn nên nếu đi trễ thì có khi hết món. Và quán cũng chỉ bán buổi sáng, trưa nghỉ.


- Quán ăn của nhà khách Phi Yến đường Tôn Đức Thắng cũng có các món ăn sáng.

- Đường Võ Thị Sáu cũng có mấy quán phở, cơm tấm.

ĂN TRƯA: ăn sáng còn có nhiều lựa chọn chứ ăn trưa thì đìu hiu lắm. Chỉ có vài quán bán.

- Quán cơm bình dân nằm trong TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN (số 3 Nguyễn Huệ). Nói là trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng rất khó nhìn thấy bảng hiệu này. Các bạn sẽ thấy bảng ANH NGỮ TỰ NHIÊN. Chỗ này đối diện với Bưu Điện Côn Đảo. Ngoài ra sẽ ko có bất kỳ bảng tên nào cho biết là có quán cơm bên trong. Các bạn cứ chạy thẳng vào cổng trung tâm, đi về phía bên trái sẽ gặp quán cơm nằm phía sau, rất đông người địa phương ăn, nhất là dân văn phòng.


Quán bán cơm phần (30k/phần) gồm 01 món mặn, 01 món rau củ xào, 01 món canh. Mỗi bữa ăn thường chỉ có 02 món mặn cho bạn chọn thôi, còn canh hay món xào thì không được lựa chọn. Nhưng nếu muốn ăn gì thêm, các bạn có thể yêu cầu quán làm (nếu lúc đó họ có), mình thì hay yêu cầu thêm món trứng chiên vì lúc nào cũng sẵn.

Quán có bán cơm chiều, cũng tương tự như cơm trưa, nhưng tất nhiên là món ăn khác. Ra quán này giống lúc bé đi chơi cùng làng cuối xóm rồi về ăn cơm nhà vậy, hồi hộp không biết hôm nay được ăn gì. Nếu món canh mà có thêm cá (như canh chua) thì giá sẽ là 40k/phần.

- Quán BÚN RIÊU CUA Bà Hai Khiêm trên đường Nguyễn Huệ: quán chỉ để bảng hiệu nhỏ BÚN RIÊU CUA. Các bạn cứ chạy thẳng đường Nguyễn Huệ đến lúc thấy một bên có vách tường cũ kỹ cao ngất (vách tường nhà tù đó) thì nhìn bên kia đường chỗ nào để bún riêu chính là quán đó. Tô nhỏ giá 20k, tô lớn 25k. Quán nổi lửa từ sáng đến chiều tối nhé, hôm mình mới đến cũng xế chiều nên chẳng còn hàng quán gì ăn, nhờ quán này cứu đói.


ĂN TỐI:
Buổi tối thì nhà hàng và các quán nhậu lại hoạt động rôm rả. Nhà hàng thì chủ yếu là du khách vào ăn, quán nhậu bình dân dành cho dân địa phương nhưng các món nhậu không đa dạng như trong đất liền.

Các bạn có thể tranh thủ bữa chiều vào ăn quán cơm trong Trung tâm Giáo dục Thường xuyên cho chắc bụng và tiết kiệm. Hoặc có một xe đẩy bán mì, nui, hủ tíu, bánh canh ở lề đường tại vòng xoay Tháp đồng hồ đường Nguyễn Huệ. Bán lề đường nhưng cũng đông người ăn lắm, giá 25k/tô.



Hoặc nếu đi nhóm đông thì có thể vào các nhà hàng ăn. Nhưng chắc chắn là giá sẽ cao hơn rất nhiều. Và mình nhắc lại là đồ ăn Côn Đảo không rẻ, kể cả hải sản dù được đánh bắt tại chỗ. Một số nhà hàng nổi tiếng trên đảo như:
- Nhà hàng TRI KỶ
- Nhà hàng THU TÂM
Hai nhà hàng này nằm gần nhau, đối diện khu resort Côn Đảo Camping.
Trong trung tâm có:
- Nhà hàng PHƯƠNG HẠNH đường Nguyễn Huệ
- Nhà hàng THU BA đường Phạm Văn Đồng

Đấy là những nhà hàng mà mình để ý thấy có nhiều khách ra vào. Trên đảo còn khá nhiều nhà hàng và quán ăn khác, nhưng vì không có điều kiện để thử ăn từng quán nên đành nhờ các bạn có ai ăn rồi thì vào chia sẻ nhé.

ĂN VẶT

Các quán ăn cho bữa ăn chính mặc dù đã khá đầy đủ nhưng có tổng hợp hết menu của các quán lại cũng chưa thể làm chúng ta đã miệng. Ở Côn Đảo rất ít thấy những món ăn vặt, các quán giải khát, kem, chè đều rất khiêm tốn. Đặc biệt mình tìm mãi không có cửa hàng bánh mì, bánh ngọt nào, chỉ thấy mỗi lò bánh mì bình thường. Suốt 5 ngày ở đây, mình cũng hay đi kiếm những món ăn vặt cho đỡ buồn miệng.

Buổi sáng ở chợ Côn Đảo cũng có mấy món ăn vặt như rau câu, bánh bông lan, chuối nướng, chuối chiên... Nhưng như mình đã nói, chợ bán buổi sáng là chủ yếu, đến trưa là hàng quán dọn hết, chỉ còn mấy sạp tạp hóa và trái cây. Nhắc đến trái cây mình cũng thông báo các bạn biết là: trái cây ngoài này đắt hơn trong đất liền rất nhiều! Bạn nào thích ăn trái cây thì chịu khó mua hơi mắc hoặc tự đem theo ra đây ăn nhé. Một nải chuối ngoài này cỡ 50k, mình có hỏi thăm thì loại chuối già (trái dài, xanh ấy) cỡ 15k-20k/kg. Phần lớn trái cây phải chuyển từ đất liền ra, có hôm ra chợ sớm mình thấy các sạp đang nhập trái cây mới về, xe tải họ ra bến tàu chở vào nguyên xe chuối! Thật ra trên đảo cũng có trồng cây ăn trái như chuối, mít, xoài, nhãn... nhưng chắc không nhiều và điều kiện khí hậu khác với đất liền nên trái cây tự trồng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sau đây là một số quán ăn vặt mà mình đã ăn qua:

- Quán THẢO LIÊN (số 3 Võ Thị Sáu) nằm gần chợ Côn Đảo. Bán cả ngày. Có bán chè đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, sâm bổ lượng, chè bưởi, bánh flan, trà sữa, bánh bông lan, bánh bao. Đây là địa điểm yêu thích của nhiều cô cậu học trò, vì theo mình thấy thì có mỗi quán này là phong phú món ăn vặt nhất đảo. Chè thì chỉ bán buổi trưa trở đi, bánh và trà sữa thì bán cả ngày.


- CAFE CÔN SƠN: quán nằm ở vị trí khá đẹp trên đường Tôn Đức Thắng, đối diện với Cầu tàu 914. Vừa uống cafe vừa ngắm biển và tận hưởng những làn gió mát thổi xuyên qua tán những cây bàng cổ thụ thì còn gì bằng.


- Quán CÔ BẢNH - Hột vịt lộn: nằm trên đường Ngô Gia Tự, các bạn chạy qua khỏi cây xăng nhìn bên tay trái. Quán này nho nhỏ thôi, hình như chỉ bán buổi tối. Như tên quán đã nói, quán chỉ bán hột vịt lộn. Điều đặc biệt là hột vịt luộc bằng nước dừa tươi ăn kèm dưa chua. Giá 9k/quả trứng. Hơi là lạ nên giới thiệu các bạn ăn thử cho vui khi buổi tối không biết làm gì.


Ngoài những quán này thì tất nhiên còn rất nhiều hàng quán ăn nhậu khác, nhưng như mình đã nói, các món ăn không đa dạng nên hầu như quán nào cũng như quán nào. Các bạn có thể dạo quanh các tuyến đường và chọn tùy thích. Côn Đảo chỉ có vài con đường có hàng quán nên các bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ lựa chọn, chỉ sợ là không chọn được quán nào mà thôi.

ĂN HẢI SẢN

Tất nhiên khi đi biển, đi đảo thì ai chẳng nghĩ đến chuyện sẽ đánh chén một bữa hải sản no nê. Mình cũng đã nghĩ như vậy, nhưng khi ra đây, xem qua giá cả thì thấy không rẻ hơn là bao nhiêu so với trong đất liền. Mình có trò chuyện với một anh ngư dân, anh ấy cho biết hải sản trên đảo đều được đánh bắt ở vùng biển xung quanh, nhất là mọi người hay đi câu mực gần bờ vào ban đêm, sáng về đem ra chợ hoặc các vựa bán. Dù được đánh bắt ở đây nhưng chi phí xăng dầu cao nên giá hải sản cũng cao.

Mình đế ý thấy các quán ăn bình dân đều bán hải sản. Nhưng khách phải yêu cầu thì họ mới làm. Phổ biến nhất vẫn là mực. Mực được câu hàng ngày nên lúc nào cũng tươi ngon, ngọt. Mình cũng đã yêu cầu làm một đĩa mực hấp gừng cho 02 người ăn (giá giao động 70k-100k/đĩa tùy chỗ). Nếu các bạn muốn ăn thì nên hỏi xem họ làm khoảng bao nhiêu là đủ ăn nhé! Và món mực ở các quán chỉ có hai kiểu chế biến: xào ăn với cơm và hấp gừng. Có lẽ vào nhà hàng sẽ đa dạng hơn.

Ngoài mực ra, còn có vài loại ốc đặc sản như ốc vú nàng (chưa ăn nhưng hỏi người dân thì ai cũng chê không ngon), ốc bàn tay, ghẹ, tôm... Tùy mùa mà có chứ không phải lúc nào cũng đầy đủ, đa dạng như các quán ốc Sài Gòn.

Nếu đi theo nhóm đông, ở khách sạn mượn được đồ để tự nấu nướng hoặc các bạn muốn mua mực tươi ướp lạnh đem về thì mình chỉ cho các bạn chỗ mua mực tươi và rẻ. Buổi sáng, các bạn chịu khó dậy sớm ra cầu tàu du lịch (đối diện nhà khách Phi Yến) hoặc khu bãi biển trước Côn Đảo Camping. Các tàu câu mực ban đêm họ về đậu ở đây, sau đó chèo thúng đem mực lên bờ bán. Mỗi người câu chừng vài ký mực thôi. Các bạn chịu khó canh me chạy lại mua nhé. Giá ở chợ là 150k/kg mực tươi loại 1 (con to). Mua "chính chủ" thì rẻ hơn vài chục nghìn nhưng chỉ ước chừng cân nặng thui, vi chẳng ai có cân để cân cả. Hên xui! Ngày nào mình cũng thấy tàu về, cũng đã hỏi mua thử mà không có chỗ nấu nướng nên thôi.

5. ĐI LẠI BẰNG GÌ TRÊN CÔN ĐẢO

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là: Côn Đảo rất nhỏ. Vì vậy các bạn yên tâm là việc đi lại trên Côn Đảo sẽ không làm các bạn tốn quá nhiều thời gian. Đường đi trên Côn Đảo không có gì phức tạp và lắt léo, đặc biệt là khu trung tâm, các con đường kết nối ngang dọc như các khu dân cư trong thành phố lớn thôi. Vì vậy đi đâu cũng sẽ quay về chứ không bị lạc. Trừ một số đường đi cách xa khu trung tâm (đi cầu Ma Thiên Lãnh, đi bãi Đầm Trầu...) thì hơi khó tìm, nhưng nếu ai sử dụng các loại smartphone thì chắc sẽ không gặp khó khăn gì, tất cả đều thể hiện trên bản đồ rồi.

Vậy bây giờ vấn đề chỉ là các bạn chọn phương tiện gì để đi lại. Tất nhiên xe máy là lựa chọn hàng đầu.

Theo những bài viết cũ mình tham khảo trước khi đi thì trên Côn Đảo chỉ có vài điểm cho thuê xe máy. Nhưng mấy bài gần đây đã cập nhật là có thể tìm thuê xe máy ở gần như bất cứ đâu trên Côn Đảo. Và sự thật đúng là như vậy!

Giá cho thuê cũng rất vừa túi tiền nhé. XE SỐ: 100K/NGÀY. XE TAY GA: 120K/NGÀY.

Nhưng theo kinh nghiệm mình sau khi thuê 2 loại xe trên ở Côn Đảo (kể cả ở những thành phố du lịch khác) thì xe số là lựa chọn tiết kiệm nhất cả về giá thuê lẫn tiền đổ xăng. Ai cũng biết hầu hết các loại xe tay ga đời cũ uống xăng như uống nước, đặc biệt là sau mấy màn leo dốc. Mà xe tay ga đời mới tiết kiệm xăng thì có mấy ai cho thuê.

Dường như giá xăng trên Côn Đảo cũng bằng giá trong này, có lẽ do xăng dầu ở đây được trợ giá. Trung bình mình đi khoảng 30km thì gần hết 20k xăng. Các bạn yên tâm là chắc cũng ko tốn quá 100k tiền xăng đâu, vì mình ở 5 ngày mà chỉ chạy hết 70k xăng (trong đó đã đi hai tuyến đường xa nhất trên Côn Đảo là bãi Đầm Trầu gần sân bay và hai lần đi ra Bến Đầm).

Các bạn nên thuê xe ngay tại nơi các bạn ở. Khách sạn, nhà nghỉ nào cũng có dịch vụ cho thuê xe, và giá mình nói trên là giá chung rồi. Thuê tại nơi ở để tiện việc đi lại và khỏi phải lo đi trả xe lúc về.

Về việc đổ xăng, trên Côn Đảo chỉ có 01 cây xăng duy nhất tại góc ngã tư Ngô Gia Tự - Nguyễn Huệ, Gần Côn Đảo Camping. Chắc vì chỉ có một cây xăng đó nên họ cũng chảnh chọe nghỉ trưa từ 11h30 đến 13h30. Ai hết xăng giờ đó ráng chịu nha.

XE ĐẠP cũng là lựa chọn vui vui nếu muốn đi dạo, nhưng hình như chỉ có trong mấy khu resort và chỗ Dive! Dive! Dive! (chỗ cho thuê đồ lặn) trên đường Nguyễn Huệ cho thuê. Giá thuê mình không nắm rõ.

Côn Đảo cũng đã có TAXI nên các bạn lại có thêm lựa chọn. Nhưng giá cước thì rất mắc, giá mở cửa là 20k, cứ 1km kế tiếp là 25k, đây là giá vào tháng Mười một, 2012. Taxi của Dầu Khí, gọi 064. 3 61 61 61


Một điều thú vị trên Côn Đảo là chẳng ai lo giữ xe máy hay xe đạp. Ban đêm nhà nhà đóng cửa ngủ, bỏ xe máy nằm ngoài đường, ngoài hiên. Mình nhắc lại là họ *đóng cửa* nhà nhưng lại không lo xe mất, dù nhà có sân rộng thì cũng không buồn đưa vào. Mình đi nhiều đường thấy toàn cỏ dại hai bên, đèn đường leo loét mà lại có vài chiếc xe dựng bên đường, chủ không thấy đâu. Ở các quán ăn, họ vào ăn, cắm chìa khóa trên xe vô tư. Theo lời người dân, chỉ có đem xe lên tàu mới đi ra khỏi đảo được nhưng tại bến tàu có công an giám sát việc đưa xe lên xuống tàu nên chẳng ai dám ăn cắp xe. Có phi vụ tháo gỡ phụ tùng xe do một băng nhóm nào đó từ đất liền ra thực hiện, nhưng khi đem đồ lên tàu thì bị tóm gọn.



Vì vậy nếu đi chơi đến những điểm không đi xe được thì các bạn có thể yên tâm dựng xe bên đường mà tiếp tục hành trình (nhớ gài nón bảo hiểm dưới yên xe, cái này thì mất à nha). Thêm nữa, mình không hề thấy chú cảnh sát giao thông nào nhưng người dân ai cũng tuân thủ luật, vì vậy nhớ đội nón bảo hiểm nhé các bạn!

Cuối cùng, mình bổ sung thêm vài thông tin do bạn Phuongdiver cung cấp, dành cho những ai muốn lặn xuống biển ngắm san hô. Người ta thường ví Nha Trang là thủ đô scuba của VN, vì đây là nơi tập trung rất nhiều câu lạc bộ lặn. Nhưng theo mình Côn Đảo mới là nơi lặn biển tuyệt vời nhất Việt Nam. Côn Đảo là nơi còn lại rạn san hô thuộc hàng lớn nhất Việt Nam cũng như toàn khu vực. Thiên nhiên hoang sơ chưa bị ảnh hưởng bởi các hoạt động phát triển du lịch, tầm nhìn dưới nước luôn đạt trên 15m. Biển Côn Đảo cũng là nơi có sự đa dạng sinh học tốt nhất cả nước, tập trung nhiều loài san hô, cá, sinh vật biển. Chỉ có một điểm trừ duy nhất, đó là giá dịch vụ lặn tại Côn Đảo thật sự quá cao so với những nơi khác. Giá một lần lặn tại Nha Trang hay Phú Quốc trung bình khoảng 30USD, còn tại Côn Đảo là 80USD. Lý do chính vẫn là lượng khách đến Côn Đảo còn ít (do sự bất tiện trong việc đi lại) nên giá dịch vụ cũng khó mà hạ xuống được. Một khi lượng khách tăng lên, giá dịch vụ sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý du lịch cần phải tìm hướng giải quyết.

Biên tập bởi laihongvan, ngày 25-04-2013

Read More...

Kinh nghiệm khi 'phượt' xe máy mùa mưa


‘Phượt’ vào mùa mưa là trải nghiệm mạo hiểm nhưng sẽ rất khó quên của các ‘phượt thủ’.
1. Chuẩn bị
Khi đi “phượt” vào lúc thời tiết thất thường dễ xảy ra mưa bão, việc chuẩn bị hành trang trước khi lên đường là vô cùng quan trọng. Bạn nên chọn loại ba lô du lịch lớn, có lớp chống thấm nước bên ngoài. Ngoài ra, vẫn nên bọc thêm một chiếc túi nilon hoặc áo mưa lớn bên ngoài để tránh nước không chảy vào bên trong. Đặc biệt, những món đồ điện tử như máy ảnh, điện thoại rất dễ hỏng hóc khi gặp nước cần được bảo vệ kỹ lưỡng dưới nhiều lần nilon.

 
Áo mưa và ô là hai món không thể thiếu khi đi “phượt” mùa mưa. Không nên mua loại áo mưa có tà vì dễ bay phần phật trên đường, cản gió, khó đi. Nên mua bộ quần và áo mưa riêng biệt để mặc ra bên ngoài trang phục, vừa gọn, vừa rất kín. Ủng đi mưa hoặc nilon để bọc chân cũng rất cần thiết để tránh nước ngấm vào chân, giày gây khó chịu trong suốt chặng đường.
Nên mang theo một chiếc máy sấy để sấy quần áo khi bị ướt, tránh cơ thể ẩm dễ ốm, cảm lạnh.

2. Xem dự báo thời tiết
Nên xem dự báo thời tiết kỹ vài ngày trước khi lên đường để nắm rõ hơn tình hình tại nơi mình đến. Nếu có khả năng xảy ra thiên tai như giông, bão lớn thì nên hoãn hoặc hủy chuyến đi thay vì “cố đấm ăn xôi”.

Dự báo thời tiết giúp bạn khoanh vùng những địa điểm có mưa và địa điểm nắng ráo hơn để lựa chọn thật kỹ nơi đến.
3. Phương tiện
Phương tiện “phượt” là xe máy, và vì vậy bạn càng phải chuẩn bị kỹ hơn vì không phải cứ mang hành lý và ngồi lên ghế là xong.


Xe phải được bảo dưỡng như thay dầu, căng xích, bơm lốp… thật chuẩn trước khi lên đường. Không nên bơm lốp xe quá căng vì đi dễ bị xóc. Nên mang theo bộ dụng cụ sửa, bơm xe, ống hút xăng, dây chằng để buộc ba lô đề phòng trường hợp khẩn cấp trên đường.

4. Kinh nghiệm chạy xe
Trời mưa, đường trơn trượt rất dễ ngã gây tai nạn, vì vậy bạn nên đi ở tốc độ vừa phải, không lạng lách, vượt ô tô, không cua nhanh trên đường đèo hay chỗ có vũng nước, cỏ, đất bùn...

Một trong những lỗi cơ bản mà rất nhiều “phượt thủ” thường mắc phải hay cố tình mắc phải là luôn bật đèn pha cực đại. Khi trời tối đen, mưa, việc bật đèn pha như thế này làm giảm tầm nhìn của người đối diện, thậm chí có thể gây tai nạn không đáng có.


 Khi đi đường tối nên thay đổi liên lục đèn pha xa và đèn pha gần tùy từng trường hợp để nhìn đường hay để thông báo tín hiệu cho người đi trước. Nên dán băng dính phản quang vào đèn xe, mũ để người đi đường dễ nhìn thấy bạn và những người cùng đoàn dễ nhận ra nhau.


Khi đi đường trường vào mùa mưa, bạn không nên phanh quá gấp mà nên giảm tốc độ từ tốn để tránh xe trượt bánh, ảnh hưởng cả đến người phía trước và sau.

Ở một số đèo, dốc núi, khi trời mưa có thể xảy ra hiện tượng lở đất, có lũ quét khi mưa lớn hay sét đánh, vì vậy cần hết sức thận trọng khi đi qua những địa hình này, hoặc nên tìm chỗ dừng xe, trú chân.

Theo Xzone

Read More...