Kỹ năng phanh môtô khi vào cua
written by Nguyễn Đức Tài
at Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013
Phanh khi vào cua là một trong những kỹ năng quan trọng mà những người lái xe hai bánh cần thành thạo để tránh rủi ro đồng thời giữ được tốc độ cần thiết.
Phanh trước cua - về số - vào cua - tăng tốc trở lại, là kỹ năng mà những người đi xe hai bánh và bốn bánh nói chung được truyền dạy khi vào cua. Đây là cách thức chung và an toàn nhất bởi khi hãm đủ tốc để nghiêng xe vào cua và không chịu tác động của phanh hay ga sẽ tạo sự cân bằng cần thiết để xe ra khỏi cua an toàn.
Tuy nhiên cũng có một phương pháp khác đó là rà phanh trong khúc cua được gọi là trail braking. Kỹ năng này không được khuyến khích bởi nếu chưa thành thạo, việc bóp hay dẫm phanh "quá tay" sẽ khiến xe mất cân bằng quán tính, giằng ngược lên và thường gây ngã theo kiểu high-siding (người bay lên cao).
Trail braking thường được các tay đua sử dụng khi muốn vượt đối thủ ở góc cua.
Trail braking khá mạo hiểm vì thế cần luyện tập đến khi cảm nhận làm chủ tay ga và phanh mới áp dụng. Ở đường công cộng không nên áp dụng cách phanh khi vào cua như thế này bởi chỉ các tay đua chuyên nghiệp mới cần sử dụng khi vào cua để vượt mặt đối thủ. Ưu điểm của phương pháp này nằm ở tốc độ xe, nếu trail braking xe sẽ duy trì tốc độ đều hơn so với phanh trước khi cua, nhờ đó giảm bớt thời gian vào cua, tạo điều kiện vượt mặt đối thủ.
Valentino Rossi ở nhiều chặng đua MotoGP để có thể vượt tay đua khác, anh thường không giảm ga cho tới khi vào tới cần đỉnh cua, sau đó mới dùng trail braking để thoát cua. Đó là Rossi, huyền thoại Grand Prix, người có kỹ năng làm chủ môtô vào loại bậc nhất trên thế giới. Trên đường quốc lộ, khi chạy môtô không vì mục đích đua thì tốt nhất không nên áp dụng nhiều khi không cần thiết.
Để thực hiện kỹ năng này, trước hết người lái sử dụng phanh trước để giảm tốc. Đến khi xe vào khúc cua sẽ từ từ nhả phanh nhưng vẫn rà để tăng góc nghiêng cho xe, đảm bảo vào cua "ngọt".
Các lý do để áp dụng phương pháp này bao gồm: thứ nhất tạo ra lực bám lớn hơn vì khối lượng dồn lên lốp trước khi phanh xe. Thứ hai khi trọng lượng dồn về phía trước đồng thời tạo độ nén hợp lý cho phuộc trước, tác động này làm thay đổi cấu trúc hình học của xe, giảm nhanh độ cân bằng tĩnh của xe, tạo điều kiện nghiêng xe dễ dàng.
Thứ ba giảm tốc độ tức là sẽ giảm được bán kính cua. Thứ tư, điều này cũng an toàn hơn khi vào những khúc cua mù (khuất tầm nhìn) hoặc cua nhỏ, người lái sẽ chủ động hãm xe khi gặp tình huống bất ngờ ở bên kia góc cua.
Xe dễ bị trượt khi góc nghiêng quá lớn.
Thông thường trail braking được áp dụng chỉ với phanh trước, mặc dù nếu sử dụng cả phanh sau sẽ giúp xe giảm tốc và bán kính cua nhanh hơn. Đồng thời phanh sau còn phát huy tác dụng khi góc nghiêng vượt quá giới hạn cân bằng, lúc này nếu dùng phanh trước sẽ khiến tình hình càng tồi tệ hơn bởi xe sẽ trượt theo cua, nhưng sử dụng phanh sau sẽ tạo thế cân bằng trở lại vì lúc đó xe sẽ có xu hướng đứng thẳng lên.
Cho đến nay vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc sử dụng trail braking ngay cả trong giới chuyên nghiệp. Phần lớn cho rằng chỉ nên sử dụng kỹ thuật này trong đường đua, nơi những tay đua chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, mặt đường chất lượng cũng như có đồ bảo hộ tiêu chuẩn.
Nhưng cũng có một số ít lại cho rằng ngay cả những người chạy môtô trên đường công cộng (street rider) cũng nên áp dụng kỹ năng này để tăng khả năng kiểm soát chiếc xe khi vào cua.
Dù có áp dụng hay không thì đối với những người chạy môtô điều quan trọng là cần luyện tập kỹ năng này thật thành thạo bởi lẽ các tình huống trên đường công cộng có thể xảy đến không báo trước, khả năng kiểm soát chiếc xe cũng là cách giảm bớt rủi ro cho người cầm lái và cả người đi đường.
Minh Hy