Bạn có biết nguồn gốc Cafe Racer
written by Nguyễn Đức Tài
at Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013
Dòng môtô với hình dáng độc đáo mang tính cổ điển ngày càng được nhiều người ưa chuộng lại bắt đầu từ những anh chàng không thích đua xe.
Ngày nay cụm từ cafe racer được gán cho bất cứ chiếc môtô nào mang phong cách retro với hình dáng na ná nhau. Nhưng những người đam mê thật sự với dòng xe này mới là định nghĩa bắt nguồn của cụm từ "Cafe Racer" suốt những năm 1960 tại Anh.
Rideapart cho biết có một giả thuyết rằng Cafe Racer ám chỉ những người sở hữu xe nhưng chỉ giả vờ là tay đua (racer) chứ không thực sự đua xe, thay vào đó họ thường dựng xe ở những quán cafe để chiêm ngưỡng vẻ ngoài là chính.
Ngoài ra, một gợi ý khác cũng thú vị không kém. Các tay đua tập trung ở một quán cafe, đặt ra một mốc thời gian nhất định, cùng đua đến đích rồi quay lại quán cafe, nếu nằm trong khoảng thời gian đặt ra sẽ chứng tỏ mẫu xe mà mỗi người điều khiển có chạm được mốc 100 dặm/h (160 km/h) hay không. Những giả thuyết này là một phần của văn hóa truyền miệng khi người ta chưa có ý định ghi chép lại lịch sử của mỗi dòng xe.
Những chiếc cafe racer đầu tiên chủ yếu là xe của Anh như Triumph, BSA, AJS hay Norton, nhưng hầu hết các mẫu xe đều chưa ưu tiên cho tốc độ. Do đó, chiếc xe nào cán được mốc 100 dặm/h là một thành tích mà những người khác phải mong đợi.
Để đạt được điều này, các tay lái phải nâng cấp chiếc xe của mình rất nhiều. Điều may mắn là khoảng thời gian những năm 1960, nền công nghiệp môtô của Anh vẫn còn phát triển, do đó khá dễ dàng để có thể tìm kiếm những bộ phận cần thiết cho việc độ xe.
Norton Commando Cafe Racer 1969.
Sở thích độ xe tốn kém này dần phát triển trong giới chơi xe có tiền, sau mỗi một giai đoạn lại có một chuẩn mực mới cho cafe racer ra đời bởi ngay từ đầu đã không có định nghĩa nào cụ thể. Tuy nhiên thiết kế bên ngoài của một chiếc cafe racer nhìn chung có đủ những yếu tố gồm tay lái dạng thắt nút clip-on, ống xả kéo dài về phía sau, yên xe một chỗ ngồi, chế hòa khí lớn và bình xăng sợi thủy tinh hoặc nhôm.
Bên cạnh đó, để chiếc xe nhẹ nhất có thể khi tăng tốc, xe tối giản các bộ phận không cần thiết. Ở bình xăng, giống như các xe thể thao, phần gần với yên xe thường được làm lõm vào tạo chỗ bám cho đầu gối khi cần rạp người tăng tốc. Đây cũng là cảm hứng để những chiếc xe đua sau này ra đời.
Minh Hy